Viện Y tế Quốc gia về Lạm dụng Ma túy Mỹ (NIDA) khuyến cáo cho biết người bị rối loạn sử dụng chất kích thích có nguy cơ cao mắc Covid-19 dù đã tiêm vaccine.
Kết luận của NIDA dựa trên hồ sơ sức khỏe điện tử của gần 580.000 người Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ.
Nghiên cứu cho thấy các bệnh lý đồng mắc và yếu tố về kinh tế, xã hội, thường gặp ở người có tiền sử rối loạn sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện, là nguyên nhân dẫn đến nhiễm nCoV đột phá. Người lạm dụng rượu, cần sa, cocain, thuốc giảm đau chứa opioid và thuốc lá cũng có tỷ lệ chuyển nặng, nhập viện và tử vong cao nếu mắc Covid-19 sau tiêm.
Để tiến hành nghiên cứu, các chuyên gia đã phân tích hồ sơ sức khỏe của người tiêm phòng từ ngày 1/12 năm ngoái đến 14/8 năm nay. Tất cả chưa từng nhiễm nCoV trước khi tiêm vaccine.
Họ chỉ ra rằng tỷ lệ nhiễm nCoV đột phá ở người rối loạn sử dụng chất kích thích là 7%, cao hơn đáng kể so với con số 3,6% ở người không sử dụng. Nguy cơ lây nhiễm giữa các loại chất kích thích cũng khác nhau, 6,8% đối với thuốc lá và 7,8% ở người dùng cần sa. Trung bình, người bệnh nhiễm nCoV ít nhất 14 ngày sau lần tiêm cuối cùng.
Nghiên cứu cũng lưu ý nguy cơ nhiễm nCoV đột phá gia tăng trong thời điểm kinh tế và xã hội bất ổn. Khi các yếu tố này được kiểm soát, người lạm dụng chất kích thích không còn đứng trước nguy cơ mắc bệnh cao nữa. Ngoại lệ duy nhất là người lạm dụng cần sa. Nhóm này vẫn có nguy cơ nhiễm nCoV đột phá cao.
Bên cạnh đó, người rối loạn sử dụng chất kích thích cũng có tỷ lệ chuyển nặng, nhập viện và tử vong cao hơn. Khoảng 22,5% trong đó phải nhập viện, 1,7% tử vong trong thời gian nghiên cứu.
“Điều đầu tiên và quan trọng nhất, tiêm chủng vẫn hiệu quả cao đối với người rối loạn sử dụng chất kích thích. Nguy cơ mắc Covid-19 tổng thể ở nhóm này rất thấp. Chúng ta cần tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện tiêm phòng cho người lạm dụng chất gây nghiện, đồng thời hiểu rằng họ vẫn có nguy cơ nhiễm nCoV sau tiêm”, tiến sĩ Nora D. Volkow, giám đốc NIDA, nhận định.
Thông thường, khi nghiên cứu vaccine, các hãng dược không tuyển dụng tình nguyện viên bị rối loạn sử dụng chất kích thích. Nhiều người trong nhóm này bị suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh lý nền, song không được xem xét đến trong các nghiên cứu. Vì vậy, sau khi tiêm vaccine, cơ thể họ không sản sinh đủ kháng thể chống lại virus. Các nghiên cứu tiến hành trong giai đoạn đầu dịch Covid-19 cũng cho thấy người bị rối loạn sử dụng chất kích thích có nguy cơ nhiễm nCoV cao hơn.
“Từ các nghiên cứu trước đây, chúng tôi cho rằng người lạm dụng chất kích thích đặc biệt dễ mắc Covid-19 và chuyển nặng. Kết quả này nhấn mạnh vaccine hiệu quả và cần thiết, song vẫn cần xét đến yếu tố nguy cơ của các ca nhiễm đột phá. Cần liên tục đánh giá hiệu quả của vaccine và ảnh hưởng lâu dài của Covid-19, đặc biệt ở người bị rối loạn sử dụng chất gây nghiện”, giáo sư, tiến sĩ Rong Xu, Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo trong Khám phá Thuốc tại Đại học Case Western Reserve, Mỹ, nhận định.
Thục Linh (Theo NIDA)